Đã có 2.300 MW điện mặt trời đấu nối vào lưới điện quốc gia

Tính tới ngày 30/5/2019, đã có 47 dự án điện mặt trời, với công suất 2.300 MW được đấu nối vào lưới điện quốc gia. Và dự kiến, trong tháng 6, tiếp tục sẽ có khoảng 49 dự án, với công suất vào khoảng 2.600 MW.

Đã có 2.300 MW điện mặt trời đấu nối vào lưới điện quốc gia

Theo EVN, các nguồn năng lượng tái tạo vào vận hành đã đóng góp nhất định về công suất và sản lượng điện cho hệ thống điện, đặc biệt là khu vực miền Trung và miền Nam. Điển hình, ngày 28/5/2019, sản lượng điện NLTT đạt khoảng 8 triệu kWh/ngày, chiếm khoảng 6-7% sản lượng điện ngày của toàn hệ thống (trên 720 triệu kWh).

Tuy nhiên, mặt trái của điện mặt trời là sự không ổn định, phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết. Với các nhà máy điện truyền thống, A0 có thể chủ động điều chỉnh công suất của nhà máy tương ứng với sự lên/xuống của phụ tải trong ngày. Nhưng các nguồn NLTT thì không thể tính toán được vì công suất thay đổi liên tục trong ngày.

Đó là chưa kể, trong Quy hoạch điện VII (hiệu chỉnh), công suất điện mặt trời được phê duyệt cho đến năm 2020 là 850 MW, nhưng đến nay đã có trên 10.000 MW điện mặt trời được phê duyệt.

Ngày 23/4/2-19, Tổng giám đốc EVN có buổi làm việc với gần 100 chủ đầu tư nhà máy điện mặt trời đã ký hợp đồng mua bán điện với EVN. Tại thời điểm đó, mới chỉ có khoảng 150 MW điện mặt trời vào vận hành. Còn bây giờ, con số này đã lên tới 2.300 MW, tăng xấp xỉ 15 lần chỉ trong vòng 1 tháng qua.

Dự kiến, cuối tháng 6/2019, số công suất điện mặt trời tiếp tục tăng lên khoảng 2.600 MW. Điều này đồng nghĩa với một khối lượng công việc vô cùng lớn mà EVN/A0 đã và đang phải thực hiện.

Thêm một khó khăn nữa, do các nhà máy điện mặt trời chủ yếu tập trung ở Ninh Thuận, Bình Thuận – khu vực phụ tải thấp. Cụ thể, đến cuối tháng 6/2019, Ninh Thuận và Bình Thuận sẽ có khoảng 2.000 MW điện mặt trời vào vận hành, trong khi phụ tải khu vực này chỉ khoảng 300 MW. Do đó, EVN phải truyền tải 1.700 MW vào TP. HCM và khu vực miền Nam.

Theo kinh nghiệm thế giới, khi phát triển năng lượng tái tạo, vấn đề truyền tải điện sẽ được tính đến. Còn thực tế ở Việt Nam, hệ thống lưới điện hiện hữu rất khó hấp thụ hết số công suất và sản lượng điện mặt trời với tốc độ các nhà máy vào vận hành có thể nói là lớn nhất thế giới như hiện nay. Để xây dựng một công trình lưới điện truyền tải phải mất khoảng 3-5 năm, còn xây dựng một nhà máy điện mặt trời chỉ mất khoảng 6-8 tháng.

Trong việc điều hành hệ thống, để giải quyết tính bất định của nguồn NLTT, A0 sẽ phải khởi động nhiều tổ máy ở các nhà máy điện truyền thống (nhưng không cho phát công suất) để dự phòng. Hiện nay, ở miền Nam, A0 đang dự phòng khoảng 100 – 200 MW, con số này phải tăng lên từ 300 – 600 MW trong thời gian tới, tùy theo công suất điện mặt trời đưa vào vận hành.

Đáng nói, trong nhiều thời điểm, nhu cầu sử dụng điện tăng cao khiến hệ thống điện không còn dự phòng. Do đó, A0 phải huy động các tổ máy nhiệt điện dầu là nguồn đắt tiền, để bù đắp cho NLTT.

Cũng theo EVN, do NLTT là lĩnh vực rất mới, hiện nay vẫn chưa có con số tính toán chuẩn xác cho giá điện mặt trời từ nhà máy đến tận hộ tiêu thụ. Ước tính, nếu tính đúng, tính đủ các chi phí, giá điện mặt trời sẽ ở mức 13-14 cent/kWh, tương ứng khoảng 3.000 đồng/kWh; tuy nhiên nếu là ĐMT áp mái, sẽ tiết kiệm được chi phí này do không phải đầu tư thêm hệ thống lưới để hấp thụ.

Theo: Nangluongvietnam

zalo-icon
facebook-icon
phone-icon