Diễn đàn Cấp cao Năng lượng Việt Nam 2020: Doanh nghiệp tư nhân đã sẵn sàng

Hôm nay (22.7), tại Hà Nội, Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương đồng chủ trì và chỉ đạo tổ chức trực tuyến “Diễn đàn Cấp cao Năng lượng Việt Nam 2020” đến các điểm cầu địa phương và các đại biểu quốc tế, với một phiên diễn đàn cấp cao và bốn phiên chuyên đề. Theo đánh giá của các chuyên gia và doanh nghiệp, Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh năng lượng là nét đột phá, xác định được chính xác vấn đề của năng lượng Việt Nam hiện nay và đưa ra những giải pháp rất thiết thực nhằm đầu tư vào ngành năng lượng trong 10 năm, 20 năm tới.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thi công một dự án điện mặt trời tại Bình Thuận. Ảnh: evn
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thi công một dự án điện mặt trời tại Bình Thuận. Ảnh: evn

“Không có Nghị quyết 55, chưa chắc chúng tôi mạnh dạn đầu tư phát triển năng lượng”

Ngày 11.2.2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết 55).

Các chuyên gia đánh giá, Nghị quyết 55 đã có nhiều đột phá trong phát triển năng lượng quốc gia như ưu tiên phát triển năng lượng nhanh và bền vững; rà soát, bổ sung, điều chỉnh các cơ chế, chính sách đặc thù cho một số dự án năng lượng quan trọng, đặc biệt đối với các dự án đầu tư nguồn điện cấp bách.

Một điểm nhấn được đặt ra trong Nghị quyết 55 là khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân tham gia vào công cuộc phát triển năng lượng. Nghị quyết đã nêu rõ các định hướng quan trọng, nguyên tắc mục tiêu để tiếp tục xóa bỏ rào cản, tạo môi trường thuận lợi minh bạch, thông thoáng cho tất cả các ngành kinh tế, nhất là khu vực tư nhân tham gia các lĩnh vực tiềm năng nói chung và năng lượng nói riêng.

Thực tế, suốt thời gian qua, khu vực tư nhân đã bước đầu tham gia, đầu tư vào phát triển năng lượng. Trong số ít doanh nghiệp đặt chân vào lĩnh vực tuy đầy tiềm năng nhưng có không ít thách thức này, Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam được nhận định là “cánh chim đầu đàn”, doanh nghiệp tiên phong, tham gia tích cực vào sự nghiệp năng lượng nước nhà.

Ông Nguyễn Tâm Tiến – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam cho Lao Động biết, trong một thời gian dài, chúng ta theo đuổi triết lý “phải phát triển nguồn công suất phát điện”, nhưng loay hoay mãi chưa đạt được kỳ vọng. Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị ra đời trong bối cảnh này đã “cởi” được nút thắt đó.

Theo ông Tiến, có hai vấn đề lớn được nêu ra trong Nghị quyết 55 khiến khu vực tư nhân “nức lòng”. Đó là: Tất cả các thành phần kinh tế đều được tham gia vào phát triển năng lượng, đây là sự khẳng định rất mạnh mẽ của Đảng, Chính phủ về sự không phân biệt thành phần kinh tế nào, miễn là có đủ năng lực. Và, đã tháo gỡ tất cả những rào cản về độc quyền, cản trở khối tư nhân tham gia vào truyền tải năng lượng.

“Hai điểm này đã làm cho khối doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là những doanh nghiệp đã và đang tham gia vào ngành năng lượng vui mừng. Song, để từ niềm vui đó đến hiệu quả thực tế, chúng ta cần xây dựng một cơ chế cụ thể, nhằm hiện thực hóa chỉ đạo này của Bộ Chính trị. Những doanh nghiệp tư nhân như Trung Nam chúng tôi rất mong chờ những cơ chế cụ thể, tạo ra một hành lang pháp lý, để triển khai, cùng đồng hành với Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong việc đầu tư phát triển năng lượng”, ông Tiến cho biết.

Nói về quyết tâm đầu tư phát triển năng lượng, đặc biệt là vấn đề đẩy mạnh hệ thống truyền tải, ông Tiến cho hay, dự kiến từ nay đến 2030, Trung Nam sẽ đầu tư khoảng 10.000 MW cho năng lượng tái tạo, bao gồm điện mặt trời và điện gió, trong đó sẽ hướng đến năng lượng điện gió nhiều hơn vì tính ổn định của điện gió rất cao, nhất là điện gió ngoài khơi.

“Trong 10.000 MW này, chúng tôi sẽ đầu tư vào truyền tải cáp điện áp 220 – 500 KV, đồng thời, nghiên cứu đến việc cấp điện áp cao hơn để có thể truyền tải trên một lĩnh vực rộng hơn. Tôi tin rằng, Chính phủ cũng sẽ ủng hộ, đồng hành cùng doanh nghiệp. Chính vì thế, vừa rồi, trong Quan hệ đối tác công – tư (PPP) cũng thể hiện rõ trong việc cho tư nhân làm PPP vào truyền tải điện và các ngành năng lượng”, ông Tiến cho hay.

Cũng là doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển năng lượng, ông Trần Sĩ Chương – Chủ tịch HĐQT Chân Mây LNG đánh giá, Nghị quyết 55 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia là “nét đột phá”, “xác định được chính xác vấn đề của năng lượng Việt Nam hiện nay và đưa ra những giải pháp rất thiết thực và cụ thể, đem đến niềm hy vọng cho nhà đầu tư mạnh dạn đầu tư vào ngành năng lượng trong 10 năm, 20 năm tới”.

Theo ông Chương, Nghị quyết 55 cho chúng ta thấy rõ nét quyết tâm của Đảng và Nhà nước về đa dạng hóa nguồn đầu tư vào ngành năng lượng, khuyến khích sự tham gia của mọi thành phần kinh tế đặc biệt là kinh tế tư nhân, trong sản xuất điện, truyền tải điện.

Bên cạnh đó, Nghị quyết cũng ưu tiên phát triển nguồn năng lượng sạch, trong đó có cả điện khí. “Điện khí là một tiềm năng rất lớn và chính là nguồn để giải quyết được vấn đề năng lượng, ngoài các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió cho 20 năm tới”, ông Chương nói.

Lãnh đạo này nhấn mạnh, nếu không có Nghị quyết 55, chưa chắc doanh nghiệp của ông đã mạnh dạn đầu tư vào Chân Mây. Vì nguồn lực trong nước không đủ, cần sự hợp tác về nguồn lực tài chính, công nghệ, điều hành, cũng như cung cấp khí hàng đầu trên thế giới.

“Để thuyết phục được những đối tác hàng đầu trên thế giới, chúng tôi phải cho họ thấy được quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong vấn đề phát triển năng lượng ở Việt Nam trong 20 năm tới và những chính sách rõ ràng, thiết thực. Từ đó, chúng tôi có thể bám sát những định hướng về chính sách để triển khai cụ thể.

Với Chân Mây, chúng tôi đã sẵn sàng triển khai khi đã chuẩn bị đầy đủ nguồn lực, như vốn, kĩ thuật, chuyên môn, điều hành, cung cấp khí. Chúng tôi sẽ đầu tư 6 tỉ USD với tổng công suất 4.000 MW. Giai đoạn đầu sẽ triển khai khoảng 2.400 MW và đưa vào hoạt động vào năm 2024”, ông Chương cho biết.

Phải bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia

Trao đổi với Lao Động trước thềm Diễn đàn Cấp cao Năng lượng Việt Nam 2020, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, sau hơn 30 năm đổi mới, đất nước chúng ta đã đạt được những thành tựu vô cùng to lớn và quan trọng.

Trong thành tích chung đó của cả nước, chúng ta có thể tự tin, tự hào khẳng định rằng, ngành năng lượng Việt Nam đã có đóng góp hết sức xứng đáng. Điều đó không chỉ được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân của ta, mà còn được bạn bè quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Đến nay đất nước chúng ta đang chuyển sang một giai đoạn phát triển mới có những thay đổi về chất, đòi hỏi ngành năng lượng Việt Nam cũng phải có những bước phát triển mới.

Trước tình hình đó, ngày 11.2.2020, Bộ Chính trị đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 55 về định hướng chiến lược năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Tại Nghị quyết này, Bộ Chính trị đã đưa ra 5 quan điểm chỉ đạo rất toàn diện và sâu sắc.

Trong đó, đồng chí Nguyễn Văn Bình đề cập đến hai quan điểm có ý nghĩa then chốt. Thứ nhất là bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, vừa là tiền đề, vừa là động lực phát triển kinh tế xã hội. Ưu tiên phát triển ngành năng lượng nhanh, bền vững, đi trước một bước, gắn với bảo đảm môi trường sinh thái, bảo đảm quốc phòng an ninh, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, và là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.

Thứ hai, phát triển năng lượng quốc gia phải phù hợp với thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và xu thế hội nhập quốc tế. Nhanh chóng xây dựng thị trường năng lượng đồng bộ, cạnh tranh, minh bạch với nhiều hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh. Áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng. Khuyến khích tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng. Kiên quyết loại bỏ mọi biểu hiện bao cấp, độc quyền, cạnh tranh thiếu bình đẳng, minh bạch trong ngành năng lượng.

Theo báo Lao Động

Để lại 1 bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

zalo-icon
facebook-icon
phone-icon