Hướng dẫn thực hiện đối với dự án điện mặt trời trên mái nhà

Hướng dẫn thực hiện đối với dự án điện mặt trời trên mái nhà

Hướng dẫn thực hiện mua bán điện và tiêu chuẩn kỹ thuật yêu cầu đối với dự án điện mặt trời trên mái nhà.

Căn cứ Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam và Thông tư số 16/2017/TT-BCT ngày 12/9/2017 của Bộ Công thương qui định về phát triển dự án và Hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời;

Căn cứ Văn bản số 1337/EVN-KD ngày 21/03/2018 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam về việc hướng dẫn thực hiện tạm thời đối với các dự án điện mặt trời trên mái nhà.

Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội đã ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện tạm thời mua bán điện và tiêu chuẩn kỹ thuật đối với các dự án điện mặt trời trên mái nhà. Nội dung cụ thể như sau:

1. Phân cấp thực hiện: Tổng Công ty thực hiện ủy quyền cho các Công ty điện lực ký kết và thực hiện thỏa thuận đấu nối theo đúng quy định phân cấp của Tổng công ty.

2. Phạm vi đối tượng áp dụng: các tổ chức, cá nhân là khách hàng đang mua điện trực tiếp của đơn vị điện lực có lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà có công suất < 1MWp và có nhu cầu bán lượng điện dư cho Công ty điện lực. Đối với các dự án điện mặt trời có công suất ≥ 1MWp sẽ có hướng dẫn sau.

3. Trình tự thực hiện:

3.1. Đấu nối với lưới điện gồm:
3.1.1. Giấy đề nghị bán điện của khách hàng (Mẫu 1)
3.1.2. Công ty điện lực khảo sát, thỏa thuận đấu nối, lắp đặt công tơ đo đếm hai chiều cho khách hàng với đầy đủ các thông tin:

a. Xác định các thông tin chính của dự án: công suất của hệ thống điện mặt trời; thông số kỹ thuật của các tấm pin quang điện; bộ biến đổi điện từ một chiều sang xoay chiều (bộ inverter); các thiết bị đóng cắt và bảo vệ cũng như hệ thống điều khiển có chức năng chống hòa lưới khi lưới mất điện và đảm bảo các tiêu chuẩn điện áp, tần số, sóng hài tại điểm lắp đặt đo đếm theo qui định tại Thông tư 39/2015/TT-BCT ngày 18/11/2015 của Bộ Công thương và các qui định cụ thể về tiêu chuẩn kỹ thuật đấu nối hệ thống điện mặt trời của Việt Nam (TCVN), tiêu chuẩn kỹ thuật đấu nối hệ thống điện mặt trời của IEC và các quy định vận hành của hệ thống điện khi đấu nối vào lưới điện Tổng công ty (theo Mẫu 3 có đính kèm theo).
+ Tấm pin quang điện: Các tiêu chuẩn TCVN, IEC61730, IEC61215,vv…
+ Bộ biến đổi điện từ một chiều sang xoay chiều (bộ inverter): Các tiêu chuẩn TCVN, IEC60068-2-x, IEC61727, IEC62109, IEC62116,vv…
+ Các thiết bị đóng cắt và bảo vệ cũng như hệ thống điều khiển có chức năng chống hòa lưới khi lưới mất điện: Các tiêu chuẩn TCVN 6592, IEC 60497,vv…

b. Yêu cầu kỹ thuật áp dụng của các thiết bị điện của hệ thống điện mặt trời khi đấu nối lưới:
– Tổng công suất đặt của các hệ thống điện mặt trời trên mái nhà đấu nối vào lưới điện hạ áp sau 01 trạm biến áp (TBA) cấp điện trực tiếp cho khách hàng:
+ Không được vượt quá công suất đặt của TBA đang cấp điện cho các khách hàng qua hệ thống điện hạ thế độc lập của TBA đó;
+ Không được vượt quá dòng điện mức (tại cấp điện áp đấu nối) của toàn bộ các thiết bị điện từ điểm đấu nối của khách hàng đến TBA đang cấp điện cho các khách hàng.
+ Trường hợp vượt quá các yêu cầu trên phải thỏa thuận riêng phạm vi đầu tư, cải tạo và thời gian đầu tư để đảm bảo khi đấu nối hệ thống điện mặt trời trên mái nhà không ảnh hưởng đến an toàn và vận hành lưới điện hiện có.
– Hệ thống điện mặt trời trên mái nhà có công suất < 3kWp được đấu nối vào lưới điện hạ áp 01 pha, trường hợp đấu nối 03 pha phải báo cáo Tổng công ty.
– Hệ thống điện mặt trời trên mái nhà có công suất ≥ 3kWp được đấu nối vào lưới điện hạ áp 03 pha khi tại điểm đấu nối của lưới điện đáp ứng yêu cầu.
– Thỏa thuận đấu nối Hệ thống điện mặt trời tương tự như “Quy trình lập Nhiệm vụ thiết kế, Phương án kỹ thuật và Thỏa thuận đấu nối vào lưới điện cao – trung áp”số 1980/QĐ-EVN HANOI, ngày 27/04/2017). Phạm vi yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin và thông số kỹ thuật của hệ thống điện mặt trời trên mái nhà thực hiện theo các mục đã nêu trên trong mục a,b.

c. Các yêu cầu về việc thí nghiệm, kiểm định các thiết bị điện khi đấu nối:
– Chi phí kiểm tra và thử nghiệm bổ sung quy định tại Thông tư số 39/2015/TT-BCT ngày 18 tháng 11 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Quy định hệ thống điện phân phối và các quy định khác có liên quan.
– Thông tư số 33/2015/TT-BCT ngày 27 tháng 10 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật các thiết bị, dụng cụ điện trước khi đưa vào sử dụng và trong quá trình sử dụng, vận hành.

d. Chấp thuận đủ điều kiện thỏa thuận đấu nối
– Đối với các dự án điện mặt trời trên mái nhà đủ điều kiện đấu nối tại mục a, b và c. Các công ty Điện lực thỏa thuận với khách hàng thời gian nghiệm thu, lắp đặt công tơ đo đếm hai chiều theo qui định dịch vụ lắp đặt công tơ 01 pha, 03 pha tại đơn vị.
– Đối với các dự án điện mặt trời trên mái nhà không đủ điều kiện đấu nối nêu tại mục a và b hoặc lưới điện khu vực chưa đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật, đơn vị phải trả lời khách hàng bằng văn bản nêu rõ lý do và thời gian giải quyết theo yêu cầu của khách hàng.
– Thời gian thực hiện Thỏa thuận đấu nối không quá 2,5 ngày từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ đề nghị thỏa thuận đấu nối.
– Các công ty Điện lực có trách nhiệm thay thế công tơ đo đếm một chiều đang sử dụng bằng công tơ đo đếm hai chiều cho khách hàng theo hướng dẫn và quy định của Tổng công ty đã ban hành.

3.1.3. Ký biên bản Thỏa thuận tạm thời về việc xác nhận chỉ số công tơ và điện năng giao nhận đối với các dự án điện mặt trời trên mái nhà với khách hàng (Mẫu 2)

3.1.4. Lắp đặt công tơ: Công ty Điện lực có trách nhiệm thay thế công tơ đo đếm một chiều đang sử dụng bằng công tơ đo đếm hai chiều cho khách hàng cụ thể như sau:
– Đối với khách hàng sử dụng mục đích sinh hoạt hoặc ngoài sinh hoạt nhưng không thuộc đối tượng áp dụng giá điện theo thời gian sử dụng trong ngày thì lắp đặt công tơ 01 giá.
– Đối với khách hàng sử dụng mục đích sản xuất hoặc kinh doanh thuộc đối tượng áp dụng giá điện theo thời gian sử dụng trong ngày thì lắp đặt công tơ 03 giá.

3.2. Xác nhận chỉ số công tơ và sản lượng điện giao nhận
– Ghi chỉ số công tơ: thực hiện ghi theo lịch ghi chỉ số công tơ được qui định tại hợp đồng mua bán điện đang thực hiện giữa khách hàng và Công ty Điện lực.
– Sản lượng điện giao nhận: được xác định theo từng kỳ ghi chỉ số công tơ.

3.3. Thanh toán tiền điện
– Đối với sản lượng điện khách hàng nhận điện từ lưới điện của Công ty Điện lực được thanh toán theo qui định tại hợp đồng mua bán điện đã ký và đang thực hiện giữa khách hàng với Công ty Điện lực.
– Đối với sản lượng điện dư của khách hàng phát lên lưới điện của Công ty Điện lực, việc thanh toán sản lượng điện dư sẽ được thực hiện khi có văn bản hướng dẫn của Bộ Công Thương và Bộ tài chính.

3.4. Giá mua điện

a. Giá mua điện đối với các dự án có ngày vận hành thương mại trước ngày 30/06/2019 được áp dụng trong 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại cụ thể như sau:
– Giá mua điện năm 2017 là 2.086 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, tương đương 9,35 Uscents/kWh, theo tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố ngày 10/04/2017 là 22.316 đồng/USD).
– Giá điện cho năm tiếp theo sẽ được điều chỉnh theo tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố vào ngày cuối cùng của năm trước.

b. Giá mua điện đối với các dự án có ngày vận hành thương mại sau 30/06/2019 sẽ có hướng dẫn sau.

4. Các Công ty Điện lực phải trao đổi và thống nhất các thông tin với khách hàng trước khi thực hiện ký Biên bản thỏa thuận tạm thời về việc xác nhận chỉ số công tơ và điện năng giao nhận đối với các dự án điện mặt trời trên mái nhà.

5. Hợp đồng mua bán điện dự án điện mặt trời trên mái nhà theo mẫu qui định tại Thông tư 16/2017/TT-BCT và sẽ được ký kết chính thức giữa khách hàng và Công ty Điện lực khi có đầy đủ hướng dẫn của Bộ Công thương và Bộ tài chính.

Để lại 1 bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

zalo-icon
facebook-icon
phone-icon