Vì sao các nhà đầu tư “chạy đua” phát điện mặt trời trước 30/6?

Rất nhiều nhà đầu tư đang “chạy đua” với mục tiêu được cấp chứng nhận vận hành thương mại (COD) trước 30/6. Theo kế hoạch, có đến 88 nhà máy điện mặt trời đóng điện chỉ trong các tháng 4, 5, 6/2019.

Theo Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0), rất nhiều nhà đầu tư đang “chạy đua” với mục tiêu được cấp chứng nhận vận hành thương mại (COD) trước 30/6. Theo kế hoạch, có đến 88 nhà máy điện mặt trời đóng điện chỉ trong các tháng 4, 5, 6/2019.

Bùng nổ điện mặt mặt trời.
Bùng nổ điện mặt mặt trời.

Tính đến giữa tháng 4/2019, toàn hệ thống điện chỉ có 4 nhà máy điện (NMĐ) mặt trời với tổng công suất chưa tới 150 MW thì đến ngày 26/5, Trung tâm đã đóng điện 34 nhà máy mặt trời, với tổng công suất lên tới gần 2.200 MW. Đến ngày 30/6, sẽ tiếp tục đóng điện 54 dự án còn lại. Kéo theo đó là khối lượng công việc khổng lồ tại các cấp điều độ, khi phải đóng điện trung bình 10 nhà máy/tuần.

Sáng 28/5, tại Hội thảo tìm giải pháp phát triển nguồn điện đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia do Báo Tiền Phong tổ chức, ông Lê Văn Lực, Phó Cục trưởng Cục Điện lực & Năng lượng tái tạo – Bộ Công Thương, xác nhận trong 3 tháng trở lại đây, số dự án điện mặt trời đóng điện đã tăng kỷ lục.
Theo ông Lực, tính đến tháng 4/2019 có 13 dự án điện mặt trời với tổng công suất khoảng 1.000 MW vận hành. Đến tháng 5 số dự án đã tăng lên con số 60 với tổng công suất 3.000 MW và dự kiến đến hết tháng 6 con số này sẽ còn tăng cao.

Bên cạnh đó, đã có 332 dự án đề xuất bổ sung quy hoạch với tổng công suất khoảng 26.200 MW đến năm 2030. Trong đó, 121 dự án đã được duyệt với tổng cộng 9.400 MW, còn 211 dự án tổng 16.800 MW.

Dự kiến, tổng công suất điện mặt trời đạt được vào năm 2020 khoảng 6.500 MW, đến năm 2025 tăng lên 20.000 MW, năm 2030 khoảng 30.500 MW. Trong khi theo quy hoạch, công suất tương ứng là 850 MW năm 2020, 4.000 MW năm 2025 và 12.000 MW năm 2030.

Theo Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam, từ ngày 1/6/2017 đến ngày 30/6/2019, các dự án đầu tư điện mặt trời hòa lưới điện được hưởng giá bán điện cho EVN tại thời điểm giao nhận điện là 9,35 Uscents/kWh, tương đương 2.086 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế VAT và được điều chỉnh theo biến động của tỷ giá đồng/USD).

Nếu so sánh với mức giá bán lẻ điện sinh hoạt mà ngành điện bán ở mức bình quân 1.720,65 đồng/kWh và mới tăng lên khoảng 1.864 đồng/kWh, thì có thể thấy lợi nhuận mà điện mặt trời hòa lưới điện mang đến cho doanh nghiệp.

Mặc dù mới triển khai, song có thể thấy, sau gần 2 năm từ khi Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án ĐMT tại Việt Nam, đã và đang tạo ra cú hích hấp dẫn các nhà đầu tư.

Hiện, điện mặt trời chủ yếu tập trung tại khu vực miền Nam và Nam Trung Bộ, là khu vực có tỷ trọng phụ tải chiếm khoảng 50% so với toàn quốc. Vì vậy, việc đưa vào các dự án năng lượng tái tạo phần nào đó sẽ giảm bớt sự thiếu hụt về năng lượng tại miền Nam, qua đó tăng cường an ninh cung ứng điện và giảm căng thẳng trong công tác vận hành hệ thống điện.

Theo: Môi trường và Đô thị

Để lại 1 bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

zalo-icon
facebook-icon
phone-icon